fbpx

Trade Balance là gì? Cán cân thương mại đối với nền kinh tế

Trade Balance là gì? Trade Balance hay còn gọi là cán cân thương mại, đây là bảng quyết toán về sự chênh lệch giữa giá trị tiền tệ nhập khẩu và xuất khẩu của nền kinh tế trong thời điểm nhất định. Dù bạn là một nhà giao dịch chuyên nghiệp hay mới tham gia vào thị trường tài chính, việc nắm rõ các kiến thức liên quan đến Trade Balance là rất quan trọng. Cùng traderforex.co tìm hiểu cụ thể về Balance Of Trade là gì trong bài viết ngày hôm nay!

Trade Balance là gì?

Thuật ngữ Trade Balance dùng để chỉ điều gì?
Thuật ngữ Trade Balance dùng để chỉ điều gì?

Đầu tiên, Trade Balance còn có tên gọi khác là cán cân thương mại. Vậy cán cân thương mại là gì? Cán cân thương mại là biểu hiện chênh lệch giữa giá trị tính bằng tiền của hàng hóa xuất nhập khẩu của một nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định (có thể được tính theo quý hoặc năm). Do đó, thống kê được sử dụng để tính toán cán cân thương mại là giá trị tiền tệ của tất cả hàng hóa xuất nhập khẩu của một quốc gia. Cán cân thương mại còn được gọi là xuất khẩu ròng (Net Exports)..

Cho dù bạn là một nhà kinh tế học hay một người mới bắt đầu tham gia vào đầu tư tài chính, bạn đều phải nắm rõ thuật ngữ cán cân thương mại (Trade balance). Là một khoản mục trong tài khoản vãng lai (current account) của cán cân thanh toán quốc tế (Balance of Payment), cán cân thương mại giữ một vai trò rất quan trọng, là một bức tranh tổng quan về tình trạng xuất nhập khẩu của một quốc gia nào đó.

Nói chung, cán cân thương mại của một quốc gia có thể được phân loại thành một trong ba tình huống: thặng dư, thâm hụt và cân bằng. Để tính được cán cân thương mại âm hay dương, bạn có thể dựa theo công thức dưới đây:

Cán cân thương mại = Giá trị xuất khẩu – Giá trị nhập khẩu

Trong đó:

  • Giá trị xuất khẩu: Giá trị hàng hóa và dịch vụ được bán cho người mua ở các đất nước khác.
  • Giá trị nhập khẩu: Giá trị hàng hóa và dịch vụ được mua từ người bán ở các đất nước khác.

Vì vậy, nếu xuất khẩu vượt nhập khẩu hoặc cán cân dương (có sự chênh lệch giá trị dương), thì đất nước đó có thặng dư thương mại (trade surplus) và báo cáo cán cân thương mại được coi là tốt. Ngược lại, nếu nhập khẩu vượt quá xuất khẩu hoặc cán cân âm (sự chênh lệch có giá trị âm), thì đất nước đó bị thâm hụt thương mại (trade deficit), trong trường hợp đó, báo cáo cán cân thương mại (Trade Balance) thường được coi là xấu.

Tuy nhiên, có một lưu ý rằng các khái niệm về xuất khẩu, nhập khẩu, xuất khẩu ròng, thặng dư/thâm hụt thương mại,… trong lý thuyết thương mại quốc tế có ý nghĩa rộng lớn hơn trong việc xây dựng cán cân thanh toán quốc tế, bởi vì chúng bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ.

Cán cân thương mại bao gồm giao dịch các sản phẩm như hàng công nghiệp, nguyên liệu thô và nông sản, cũng như dịch vụ du lịch và vận tải. Cán cân thương mại tương tự như sự khác biệt giữa sản lượng của một quốc gia và nhu cầu địa phương (có nghĩa là sự chênh lệch giữa mặt hàng mà đất nước đó sản xuất và số lượng mặt hàng mà đất nước đó mua từ nước khác về).

Tuy nhiên, cán cân thương mại (Trade Balance) không bao gồm tiền được tái chi tiêu trên thị trường chứng khoán trong nước, cũng như không bao gồm các mặt hàng nhập khẩu được sản xuất cho thị trường địa phương. Trên toàn cầu, tổng tài khoản vãng lai của tất cả các quốc gia sẽ bằng 0, vì thặng dư của một đất nước sẽ được bù đắp bởi thâm hụt của một đất nước khác.

Cục điều tra dân số của Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố dữ liệu về cán cân thương mại của quốc gia vào ngày thứ Năm của tuần thứ ba hàng tháng. Trong khi đó, tại Việt Nam, Tổng cục Hải quan là cơ quan đảm nhận nhiệm vụ này.

Balance Of Trade là gì?
Balance Of Trade là gì?

Ý nghĩa của Trade Balance là gì? Có vai trò quan trọng như thế nào đối với nền kinh tế?

Đối với bất cứ đất nước nào, tình trạng xuất nhập và nhập khẩu luôn được quan tâm nhất, bởi đôi khi nó là nguồn thu nhập chính của một vùng, một đất nước nào đó, và ở một mức độ nhất định, nó thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội. Vì vậy, cán cân thương mại hay Trade Balance được coi là một chỉ báo về sự thay đổi của hoạt động xuất khẩu − nhập khẩu của một đất nước nào đó trong thời điểm nhất định cũng như mức độ chênh lệch giữa hai yếu tố này.

Trade Balance cung cấp các thông tin liên quan đến cung cầu tiền tệ của một đất nước

Cụ thể, cán cân thương mại thể hiện sự thay đổi tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ so với đồng ngoại tệ. Khi một đất nước có thặng dư thương mại, tổng giá trị ngoại tệ chảy vào đất nước đó cao hơn tổng giá trị ngoại tệ chảy ra. Ngoại tệ qua khỏi biên giới sẽ được chuyển đổi thành đồng nội tệ, do đó làm tăng cung ngoại tệ. Kết quả là tỷ giá hối đoái của các đồng ngoại tệ sẽ giảm xuống và tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ sẽ tăng lên.

Ngược lại, nếu một đất nước nào đó đang thâm hụt thương mại, đất nước đó cần phải chuyển đổi đồng nội tệ sang đồng ngoại tệ để tiến hành một số các giao dịch thanh toán quốc tế. Cuối cùng, kết quả là cung đồng nội tệ tăng lên và tỷ giá hối đoái giảm xuống, trong khi tỷ giá hối đoái đồng tiền của đất nước đó đang có thặng dư tăng.

Cán cân thương mại thể hiện năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế của một đất nước

Vì cán cân thương mại thể hiện trạng thái sự cán cân vãng lai, vì thế nó có ảnh hưởng đến sự ổn định của một nền kinh tế vĩ mô. Đây có thể được coi là sự tác động quan trọng nhất của cán cân thương mại đối với nền kinh tế và thông qua việc này, nhà nước có thể đưa ra các chính sách nhằm mục đích thay đổi cán cân thương mại để giữ vững nền kinh tế vĩ mô ổn định.

Trade Balance hay cán cân thương mại của tất cả các đất nước có sự quan tâm đến tác động của nó đến sản lượng trong nước ((Net Exports hay NX là thành tố của GDP), việc làm và cán cân đối ngoại.

Giả sử, các nền kinh tế đang có sự phát triển cần hấp dẫn một lượng lớn nguồn lực từ nước ngoài để nâng cao sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế trong nước, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài, và có thể chấp nhận thâm hụt cán cân thương mại trong một giai đoạn nào đó. Tuy nhiên, do thâm hụt thương mại hoặc thặng dư thương mại là không thể chấp nhận được trong một thời gian dài nên chính phủ thường có những chính sách điều chỉnh sao cho phù hợp để loại bỏ những tình trạng nhức nhói này.

Đồng thời, các nước phát triển thường có xu hướng nhập khẩu một số lượng lớn nguyên liệu thô từ các nước đang phát triển, thường ở mức giá rất thấp. Những vật liệu này sau đó được chuyển thành các mặt hàng sẵn sàng sử dụng có giá trị tăng lên đáng kể.

Trong khi nhiều đất nước phát triển khác (ví dụ: khối cộng đồng chung Châu Âu – EU) có cán cân thương mại cân bằng về tiền tệ, thì thành phần vật chất của cán cân thương mại này cũng kém (đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển, tức là nhập khẩu vượt xuất khẩu về nguyên vật liệu).

Trade Balance phản ánh mức độ tiết kiệm, đầu tư và thu nhập thực tế

Trường hợp cán cân thương mại đang bị thâm hụt, điều này có nghĩa là đất nước đó đang có xu hướng chi tiêu nhiều hơn thu nhập, tiết kiệm ít hơn đầu tư và ngược lại.

Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của cán cân thương mại đối với nền kinh tế, các nhà kinh tế và quản lý luôn cố gắng tìm kiếm những chiến lược để dự báo những cơ hội và thách thức để dựa vào đó đề ra những giải pháp khắc phục có sự hiệu quả nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu trong tương lai, qua đó giúp điều hành nền kinh tế vĩ mô một cách tốt hơn.

Thế nhưng, vẫn có những quan điểm khác nhau về tác động của cán cân thương mại đối với nền kinh tế của một đất nước:

Trái ngược với niềm tin phổ biến, cán cân thương mại dương hay âm không nhất thiết chỉ ra sức khỏe của một nền kinh tế mạnh hay yếu. Việc cán cân thương mại dương hay âm là tốt cho nền kinh tế tùy thuộc vào các đất nước liên quan, các quyết định về chính sách thương mại, thời gian tồn tại của cán cân thương mại dương hay âm và quy mô của sự mất cân bằng thương mại, cùng với một số vấn đề liên quan khác.

Bên cạnh đó, các nhà kinh tế học đương đại còn chia rẽ về tác động của thâm hụt thương mại đối với nền kinh tế, lập luận rằng thâm hụt thương mại sẽ dẫn đến sự trì trệ GDP và việc làm bị đình trệ trong dài hạn, cùng với đó là chi phí xã hội cao, trong khi những người khác coi đó là dấu hiệu của một sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Một số chuyên gia kinh tế, nhà kinh tế học lập luận rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và việc làm có thể bị đình trệ lâu dài nếu thâm hụt trở nên quá lớn đến mức nghiêm trọng và kéo dài.

Vì vậy, bản thân cán cân thương mại không phải là một chỉ báo tốt để thể hiện tình trạng của một nền kinh tế. Các nhà kinh tế thường đồng ý rằng thặng dư hoặc thâm hụt thương mại không phải lúc nào cũng xấu hoặc tốt cho nền kinh tế. Để xác định liệu nền kinh tế của một quốc gia nào đó đang theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực, chúng ta còn dựa vào rất nhiều yếu tố khác.

Balance Of Trade là gì và ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế của một quốc gia
Balance Of Trade là gì và ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế của một quốc gia

Các nhân tố tác động đến Trade Balance là gì?

Sau khi nắm được Trade Balance là gì, vậy đâu là những yếu tố tác động đến nó? Cán cân thương mại chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: tỷ giá hối đoái, tỷ lệ lạm phát, giá cả hàng hóa, thu nhập, chính sách thương mại quốc tế của các nước,… Bởi vì được xác định dựa theo giá trị nên cán cân thương mại phụ thuộc phần lớn vào tỷ giá hối đoái cũng như mức độ tin cậy của dữ liệu và phương pháp thu thập dữ liệu. Mức độ tin cậy và sự chính xác của dữ liệu được cung cấp có thể tác động đến việc xác định bản chất và mức độ thâm hụt thương mại có nghiêm trọng hay không.

Tỷ giá hối đoái

Nếu tỷ giá hối đoái tăng mạnh, cán cân thương mại của một quốc gia thường giảm xuống và nếu tỷ giá hối đoái giảm thì Trade Balance tăng lên
Nếu tỷ giá hối đoái tăng mạnh, cán cân thương mại của một quốc gia thường giảm xuống và nếu tỷ giá hối đoái giảm thì Trade Balance tăng lên

Tỷ giá hối đoái được coi là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với các đất nước vì nó tác động đến giá cả tương đối của hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa trên thị trường quốc tế. Nếu đơn vị tiền tệ chính thức của một quốc gia tăng giá, hàng xuất khẩu của nước đó ra nước ngoài sẽ đắt hơn và hàng nhập khẩu của nước đó sẽ rẻ hơn. Ngược lại, một đồng tiền yếu làm cho hàng xuất khẩu của một đất nước rẻ hơn ở thị trường nước ngoài và hàng nhập khẩu của nước đó đắt hơn ở thị trường nước ngoài.

Do đó, tình trạng tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ tăng lên sẽ gây hạn chế cho xuất khẩu và có lợi cho nhập khẩu, khiến xuất khẩu ròng (Net Exports) giảm xuống. Ngược lại, nếu tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ giảm, xuất khẩu sẽ có lợi, nhập khẩu sẽ bất lợi và xuất khẩu ròng tăng. Cán cân thương mại của một quốc gia thường giảm đi khi tỷ giá hối đoái cao và ngược lại, nếu tỷ giá hối đoái thấp, Trade Balance sẽ tăng lên.

Tỷ giá hối đoái ảnh hưởng như thế nào đến cán cân thương mại hiện nay của Việt Nam? Đất nước chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, trong bối cảnh hàng rào thuế quan và hạn ngạch hàng hóa bảo hộ thương mại phải dần được xóa bỏ, việc nhận diện tác động của tỷ giá hối đoái đến cán cân thương mại của Việt Nam là rất cần thiết.

Xem thêm về các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái

Nhập khẩu

Căn cứ vào công thức tính cán cân thương mại mà chúng ta đã làm rõ ở trên, có thể thấy nhập khẩu là nhân tố quyết định tác động đến cán cân thương mại. Khi GDP tăng, mức tăng nhập khẩu phụ thuộc vào xu hướng nhập khẩu biên. Trên thực tế, nếu GDP tăng hay tăng mạnh mẽ thì qua đó nhập khẩu cũng sẽ có xu hướng tăng lên.

Mặt khác, nhập khẩu còn tùy thuộc vào giá trị tương đối của hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa sản xuất ở nước ngoài. Khi giá trong nước tăng so với giá thị trường quốc tế thì nhập khẩu sẽ tăng và ngược lại.

Ví dụ, nếu giá trị của hàng hóa xe đạp sản xuất tại Việt Nam tăng đáng kể so với giá  của xe đạp Trung Quốc, người dân có xu hướng tiêu dùng xe đạp Trung Quốc nhiều hơn, dẫn đến tăng nhập khẩu sản phẩm đó.

Xuất khẩu

Cũng giống như nhập khẩu, xuất khẩu cũng giữ một vai trò quan trọng trong cán cân thương mại của một đất nước. Tuy nhiên, xuất khẩu tùy thuộc vào điều kiện ở các quốc gia khác, vì xuất khẩu của một quốc gia chỉ đơn giản là nhập khẩu từ một quốc gia khác. Do đó, phần lớn phụ thuộc vào sản lượng và thu nhập của các nước đối tác. Do đó, xuất khẩu thường được coi là yếu tố tự quyết định trong các mô hình kinh tế.

Biểu đồ thể hiện giá trị xuất nhập khẩu và cán cân thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEM thời gian từ 2016 đến 2018 và 9 tháng/2019 (Nguồn: TCHQ)
Biểu đồ thể hiện giá trị xuất nhập khẩu và cán cân thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEM thời gian từ 2016 đến 2018 và 9 tháng/2019 (Nguồn: TCHQ)

Chính sách tài chính

Với các đất nước có nền kinh tế kém phát triển hơn thì chính sách tài chính của đất nước đó không có nhiều tác động đối với tình hình thị trường tài chính thế giới. Tuy nhiên, với các đất nước có tỷ trọng lớn với nền kinh tế thế giới, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản thì lại có ảnh hưởng sâu sắc đối với cán cân thương mại quốc tế.

Thâm hụt thương mại (Trade Deficit) và lý do xảy ra thâm hụt thương mại

Thâm hụt thương mại (Trade Deficit) là một thước đo của thương mại quốc tế cho thấy rằng một đất nước đang có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu (nhập siêu). Thâm hụt thương mại thể hiện các quỹ trong nước đang chảy vào thị trường nước ngoài, còn được gọi là cán cân thương mại âm.

Thâm hụt thương mại xuất hiện khi một đất nước không thể cung cấp đủ hàng hóa cho người dân trong nước. Tuy nhiên, đôi lúc, thâm hụt thương mại thể hiện rằng người tiêu dùng của một đất nước đủ điều kiện để mua nhiều hàng hóa hơn mức mà đất nước đó có thể sản xuất. Nếu thâm hụt thương mại này được bù đắp bằng thặng dư được tạo ra ở đâu đó trong cán cân thanh toán, thì đó có thể không phải là vấn đề tức thời.

Vậy nguyên nhân của thâm hụt thương mại là gì: Có hai cách giải thích về nguyên nhân gây xuất hiện tình trạng của thâm hụt thương mại trong thời gian dài. Một là kết quả của tăng trưởng đầu tư nhanh chóng vượt quá tiết kiệm trong nước. Tiếp theo là do sự biến đổi của cấu trúc nền kinh tế. Điều này làm cản trở việc điều chỉnh và đổi mới chính sách thương mại của một quốc gia.

Trade Deficit và nguyên nhân xảy ra
Trade Deficit và nguyên nhân xảy ra

Tiết kiệm và đầu tư có sự chênh lệch

Xu hướng tiết kiệm thấp: Ngoài việc mà mọi người tiết kiệm ít hơn, thị trường nhà ở và thị trường chứng khoán đang dần hấp dẫn hơn khiến mọi người cảm thấy giàu có hơn, điều này làm tăng nhu cầu tiêu dùng và xu hướng tiết kiệm ít hơn.

Gia tăng đầu tư: Khi nới lỏng chính sách tiền tệ, dẫn đến lãi suất trong nước sẽ giảm một phần và vì thế mà đầu tư trong nước sẽ tăng lên.

Tỷ lệ lạm phát gia tăng

Như đã đề cập phía trên, tỷ lệ lạm phát cũng ảnh hưởng một phần đến cán cân thương mại nên lạm phát cao cũng làm tăng chỉ số cạnh tranh của hàng hóa/dịch vụ trong nước và ngược lại.

Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu

Đây là vấn đề vô cùng phổ biến ở Việt Nam, tỷ lệ xuất khẩu tăng thì tỷ lệ nhập khẩu cũng tăng theo, có tới 2/3 giá trị xuất khẩu là nguyên liệu phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước còn hạn chế.

Đồng thời, đất nước của chúng ta chưa hội nhập hoàn toàn vào chuỗi giá trị khu vực và mới chỉ nằm ở vai trò là nơi lắp ráp sản phẩm. Đây cũng được gọi là vấn đề thương mại hình thành thương mại ở Việt Nam.

Chính sách giảm thuế nhập khẩu

Việt Nam tiến hành mục tiêu cắt giảm thuế nhập khẩu sao cho phù hợp với các hiệp định của WTO và các cam kết trong thương mại khu vực. Điều này đã trở thành lý do khiến các nước, đặc biệt là Việt Nam bị thâm hụt thương mại.

Thâm hụt ngân sách

Thâm hụt ngân sách là một trong những lý do gây ra thâm hụt thương mại
Thâm hụt ngân sách là một trong những lý do gây ra thâm hụt thương mại

Cuối cùng, thâm hụt ngân sách sẽ làm cho thâm hụt cán cân vãng lai xảy ra. Tại Việt Nam, tình hình thâm hụt cán cân thương mại xảy ra vì:

  • Trong khi Việt Nam theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây, suy thoái kinh tế cũng buộc chính phủ phải tăng chi tiêu ngân sách.
  • Lý do thâm hụt ngân sách là đầu tư điên cuồng, có thể thấy qua hệ số ICOR (Hệ số hiệu quả sử dụng vốn), doanh nghiệp nhà nước đầu tư kém hiệu quả.

Đối với Hoa Kỳ, năm 2007 thâm hụt tài khoản vãng lai của Hoa Kỳ lên tới 7% GDP (trên mức 800 tỷ đô la). Nguyên nhân chính của tình trạng này là do tổng kim ngạch nhập khẩu vượt xa tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, thâm hụt tài khoản vãng lai của Hoa Kỳ được tài trợ bởi các khoản vay từ ngoài nước và từ các tổ chức tài chính thế giới. Nó hình thành một lượng lớn nguồn tài chính chảy vào đất nước hàng năm. Hiện tượng đồng đô la giảm là một trong các  yếu tố chính thúc đẩy thâm hụt tài khoản vãng lai của Hoa Kỳ. Việc tăng doanh thu từ đồng đô la thông qua các hoạt động đầu tư tại nước ngoài đã khuyến khích Hoa Kỳ tăng cường các xu hướng này.

Với các dữ liệu kinh tế của một đất nước, Trade Balance không có nhiều biến động như các chỉ số NFP, CPI, PPI. Tuy nhiên, về lâu dài thì nó cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tổng quan về thương mại của một đất nước. Trade Balance hay cán cân thương mại là gì? Đây là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế của một đất nước nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung. Hy vọng với bài viết ngày hôm nay về Trade Balance là gì, sẽ giúp cho các bạn có thêm nhiều kinh nghiệm về phân tích tình hình thị trường và vận dụng nó vào trong quá trình đầu tư của mình.

Rate this post

Bài viết liên quan:

Trả lời